|
Một vệt cây rừng có dấu hiệu bị chết do ngập úng trong khuôn viên khu du lịch Khai Long |
NDĐT – Cơ quan chức năng địa phương xác định nguyên nhân hàng loạt cây mắm bị chết ở Khu du lịch Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là do mưa lớn gây ngập úng…
|
Trả lời NDĐT về việc gần đây có nhiều diện tích rừng mắm bị chết trong khuôn viên Khu du lịch Khai Long, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khẳng định như trên.
Theo ông Thức, sau khi kiểm tra thực tế vào ngày 21-2 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã có báo cáo chính thức vụ việc đến UBND tỉnh về hiện tượng cây chết. Báo cáo nêu rõ, Công ty TNHH XDDVTM Du lịch Công Lý (đơn vị đầu tư Khu du lịch Khai Long) được UBND tỉnh Cà Mau cho thuê hơn 32 ha đất và khoảng 19,3 ha phòng hộ rất xung yếu (loại rừng nghèo kiệt) để phục vụ công trình mở rộng điểm du lịch Lý Thanh Long II. Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư phát hiện nhiều cây mắm bị chết nên có tờ trình xin kiểm đếm lại số cây chết và xin trồng cây thay thế trên diện tích rừng mắm bị chết. Ngay khi tiếp nhận tờ trình, ngày 21-7-2017, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế và xác định, hiện tượng cây mắm bị chết là có thật nhưng không phải do tác động của con người mà do khách quan. Cụ thể, thời điểm cây chết vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017, cây bị sâu gây hại, tổn thương nặng về mặt sinh học. Đây cũng là thời điểm mưa lớn kéo dài, triều cường trên các tuyến sông, rạch lên rất cao nên hệ thống bốn cống xả nước của Khu du lịch Khai Long không thoát nước kịp. Vì vậy, lượng nước ứ đọng trong rừng lâu ngày khiến cây bị chết cục bộ thành từng đám. Chi cục Kiểm lâm Cà Mau kiểm đếm, xác định số cây rừng có khả năng bị chết chiếm khoảng 60% (khoảng 8ha). Tiếp tục kiểm tra vào ngày 20-2 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau không phát hiện thêm diện tích cây rừng bị chết ở Khu du lịch Khai Long, và diện tích cây có dấu hiệu bị chết đã có dấu hiệu phục hồi, ra lá non. Chỉ còn khoảng 30% cây có khả năng bị chết. “Ngoài nguyên nhân bị ngập úng, theo quy luật tự nhiên “mắm trước, đước sau”, sau khi cây mắm phát triển, giữ được đất, vùng đất có nhiều cây mắm mọc sẽ bồi tụ cao, ổn định. Khi đó, cây mắm sẽ bị đào thải và hình thành cây khác để thay thế mà chủ yếu là cây đước – ông Thức cho biết thêm. Liên quan đến vụ việc trên, ông Thức cho biết đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của hai kiểm lâm phụ trách địa bàn, có kiểm tra nhưng chậm hậu kiểm và chậm báo cáo về cấp trên nhằm có hướng khắc phục khi cây bị chết. Về phần đơn vị nhận thuê môi trường rừng, ông Thức cho biết chủ doanh nghiệp chủ động khắc phục, có tờ trình gửi UBND tỉnh xin tự bỏ tiền để trồng lại cây rừng (cây đước) trên diện tích cây đã chết. Khi được hỏi đất rừng rất xung yếu cho doanh nghiệp thuê phát triển du lịch có vi phạm, ông Thức khẳng định: “Các đơn vị chức năng đã rà soát chặt chẽ quy định mới tham mưu cho UBND tỉnh. Chiếu theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền cho thuê đất rừng phòng hộ rất xung yếu nhưng dưới 20 ha”. Ngoài số cây rừng bị chết trong khuôn viên Khu du lịch Khai Long, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt ven tuyến đường Hồ Chí Minh về xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), chúng tôi phát hiện nhiều nơi có cây mắm bị chết thành từng cụm nhỏ. Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết đã chỉ đạo kiểm lâm tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực tế hiện tượng cây chết nêu trên để có hướng xử lý, khắc phục, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương. Theo Báo Nhân Dân
|