Rồi một ngày nọ, ông nghe nói tới “phong điện” rồi “điện gió cái chi chi á”. Vậy là ông bỏ công đi tìm hiểu, đi hỏi, thậm chí bỏ tiền mua vé máy bay sang tận Mỹ để tìm cho ra ngọn ngành. Hoá ra gió nhiều cũng có cái lợi của nó, lại tốt cho môi trường mà nhiều “thằng Tây đánh giá rất cao”. Về mất ngủ nhiều đêm, ông Dân đắn đo lắm để rồi cuối cùng ông quyết định, nếu đã đấu với gió không được thì chi bằng bắt “thằng gió” phục vụ cho mình.
Vậy là bất chấp những lời dị nghị mà như ông Dân kể thì “người kêu tui khùng, người kêu tui liều. Ngay cả người nhà tui cũng có người bàn ra, tán vào. Tui thừa nhận, tui là nông dân nhưng tui không học đại học, nhưng để quyết định, tui đã tính nát nước rồi. Tui tin sau lưng tui là những nhà khoa học, họ không nỡ lừa tui, họ cũng không thể sai khi đã có kinh nghiệm làm trước đó rồi”. Và nhà máy điện gió Bạc Liêu dần hình thành trên bãi bồi xã Vĩnh Trạch Đông khiến người dân cả vùng cứ xôn xao không ngừng.
Từ ngán ngẩm những cơn gió, giờ ông Dân hào hứng chỉ vào những cánh quạt gió nói “Đó, nó cứ thổi đi, cứ thổi cánh quạt quay là công ty có tiền”.
Gió bắt đầu từ… Dân
Đúng như cái tên của mình, Hoài Dân, ông Sáu Dân đã luôn nhớ tới những người dân quê mình bởi hơn ai hết, ông cũng lớn lên cùng với họ trên cánh đồng, trên những bãi bồi. Ông hiểu người dân quanh mình ước mơ gì. Ông đã thấy cảnh những đứa nhỏ thòm thèm khi đứng “coi ké ti vi” khi ra phố.
Ông hóm hỉnh, “Nhà thơ đặt câu hỏi “gió bắt đầu từ đâu, em cũng không biết nữa”, nhưng tui biết, gió của tui sẽ bắt đầu từ Dân”. Ông Dân cùng các cộng sự của mình bắt đầu lên kế hoạch tuyển công nhân, ông ưu tiên tuyển những người dân Khmer xã Vĩnh Trạch Đông. Dù rất khoái khi mặc lên mình áo công nhân như mơ ước, nhưng những người dân Khmer ban đầu còn chưa quen với việc làm theo giờ giấc, hay bỏ thói quen lai rai bất chấp giờ giấc.
Để quản lý họ, để nói họ nghe, công ty điện gió Bạc Liêu quyết định táo bạo hơn khi hỗ trợ cho những người dân Khmer nơi đây, ai muốn đi học đại học, công ty hỗ trợ hết mình. Thậm chí, sau khi học xong đại học, thấy có khả năng, công ty đầu tư cho đi học nước ngoài để về làm quản lý.
Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc nhà máy điện gió Bạc Liêu - là một ví dụ điển hình. Là người Khmer , ước ao của Kiên chỉ đơn giản là giúp người dân quê mình có đủ ăn, đủ mặc. Được tạo điều kiện đi học về làm việc tại nhà máy điện gió. Kiên giờ là tấm gương để những hàng xóm của anh noi theo khi không chỉ là những khẩu hiệu, chức danh, nhà Kiên giờ cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy và điện sáng thường xuyên.
Nhưng, nếu chỉ vậy thì sức lan toả của công trình điện gió với dân sinh đâu đáng để người dân nơi đây hào hứng đến vậy. Phía điện gió Bạc Liêu còn tính luôn dùm những người dân không thể vào công trình làm nông dân. Dưới chân các cột điện gió lấn biển hình thành bãi bồi ngày càng rộng. Ông Sáu Dân quyết định sẽ chia vuông làm nghêu như hợp tác xã. Phía công ty sẽ bỏ vốn mua giống, hỗ trợ toàn bộ chi phí. Người dân cào nghêu về sẽ được công ty bao tiêu trọn gói. Lỡ có thất mùa, con giống không đạt yêu cầu, công ty chịu lỗ cho người dân. Chính quyết sách này khiến người dân Vĩnh Trạch Đông thật sự bắt đầu có của ăn, của để.
Những người nông dân nuôi tôm ở khu vực Vĩnh Trạch Đông cũng hưởng lợi theo khi điện gió về với xứ miệt thứ. Ông Võ Hồng Ngoãn - một nông dân nuôi tôm - đã hớn hở kể: “Ngày trước tui chạy máy phát điện, tốn kém, khói, ồn um trời. Mà dòng điện từ máy phát điện không đều nên tôm chất lượng không cao. Giờ có điện gió rồi, trúng suốt. Tui mới mua ti vi cho mấy đứa coi vuông nó coi cải lương giải sầu luôn đó”.
Gió bắt đầu từ dân và người dân đã bắt đầu yêu gió. An ninh năng lượng, năng lượng sạch, với họ có thể quá tầm hiểu biết, nhưng họ biết, chính điện gió đang làm cho vùng quê nghèo của họ ngày nào, giờ sáng bừng lên. Và một ngày mai tươi sáng bắt đầu từ ngày hôm nay.
( Theo Lao Động )