Cụ thể, theo ông Bi, đối với Quy chế phối hợp quản lý quá trình xử lý rác thải của Nhà máy: Để kiểm soát số lượng rác đầu vào và đầu ra (chôn lấp dưới 10%) của Nhà máy được chính xác, nhằm làm cơ sở hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải rắn sinh hoạt theo quy định, Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương khảo sát, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp, lập dự toán để lắp đặt tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-7.
Đối với việc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại, du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) yêu cầu giao thêm khoảng 10 ha đất còn lại theo dự án đã được phê duyệt, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Cà Mau khảo sát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Sở Xây dựng cũng được giao phải khẩn trương hoàn thiện Quy chế phối hợp quản lý quá trình xử lý rác thải của nhà máy theo ý kiến đóng góp của các sở, ngành gửi cho Công ty Công Lý góp ý bằng văn bản để đủ cơ sở triển khai thực hiện.
Để xử lý lượng rác tồn đọng trong quá trình nghỉ bảo trì Nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tăng tần suất xử lý để giảm bớt lượng rác tồn đọng, xử lý mùi hôi, ruồi, muỗi, gián... để tránh gây ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh sang các khu vực dân cư lân cận trong thời gian sớm nhất.
Ngoài các nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường, các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy và khu vực chung quanh Nhà máy, xử lý các vi phạm theo quy định.
Đối với đơn giá hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy, việc xác định đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai thực hiện. Đơn vị trên cũng chịu trách nhiệm hoàn tất các hồ sơ, thủ tục và tham mưu dự thảo tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định để làm cơ sở cho UBND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ kinh phí xử lý rác theo đề nghị của Công ty Công Lý.
Trước đó không lâu, nhân dân phường Tân Xuyên và xã An Xuyên (TP Cà Mau) phản ảnh với chính quyền địa phương lượng rác lớn tồn đọng, chưa xử lý triệt để tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. Hệ lụy của việc trên làm phát tán mùi và nước thải, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Vấn đề trên cũng được cử tri và một số nhà báo đặt câu hỏi tại kỳ họp HĐND tỉnh và họp báo thường kỳ vào ngày 11-7. Trước những thắc mắc đó, đại diện cơ quan chức năng tỉnh hứa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tại nhà máy rác và sẽ có những giải pháp hữu hiệu trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, trả lời Nhân Dân điện tử, ông Tô Hoài Dân, đại diện Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau thừa nhận vẫn còn lượng rác tồn đọng chưa xử lý hết nằm trong khuôn viên Nhà máy, bởi Nhà máy tạm ngưng bảo trì, bảo dưỡng sáu tháng. Ông Dân giải thích rằng, nhân viên xử lý hằng ngày nhưng gặp mưa liên tục nên thuốc diệt ruồi và khử mùi bị giảm tác dụng đáng kể.
Tổng công suất của Nhà máy là 200 tấn/ngày, trong khi lượng rác thu gom toàn tỉnh mỗi ngày từ khoảng 180 tấn. Số công suất thừa xử lý bù không kịp nên còn tồn - ông Tô Hoài Dân giải thích và cho biết: Từ khi hoạt động vào năm 2012 đến nay, Nhà máy liên tục bù lỗ tiền tỷ mỗi năm do nguồn phân compost tiêu thụ không được. Trong khoảng ba năm gần đây, nguồn hạt nhựa (phế liệu) cũng bị giảm dần (từ 15% nay chỉ còn 3 đến 5%) do đội ngũ thu gom đã “phổng tay trên” trong quá trình thu gom, vận chuyển rác.
Cũng theo đại diện Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, do liên tục thua lỗ, thu không đủ bù chi nên đã có nhiều công văn cầu cứu tỉnh Cà Mau, xin tăng kinh phí hỗ trợ xử lý rác, từ 350 nghìn lên 450 nghìn đồng/tấn rác. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua nhưng đề xuất trên chưa được giải quyết. “Bức bách quá, Công ty có tờ trình xin giao Nhà máy lại cho tỉnh quản lý, và gần đây xin tạm giao lại toàn bộ Nhà máy, công nhân… để cơ quan tỉnh vận hành thử một năm xem lời, lỗ thế nào. Tuy nhiên, phía tỉnh không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đề xuất xin tăng mức hỗ trợ. Trong trường hợp không được chắc chúng tôi phải đóng cửa Nhà máy. Bởi nếu làm tiếp sẽ lỗ tiếp, phá sản”, ông Tô Hoài Dân chia sẻ.