“Cánh đồng điện gió” bên biển Bạc Liêu

“… Bạn ơi có nghe biển ru, này bạn ơi có nghe lời gió nói, điện gió trên quê ta, thỏa ước mơ bao năm, nay đã trong tay, no ấm đêm ngày...” (*) Đến với Bạc Liêu hôm nay, chàng công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng” đã đi vào giai thoại, con người Bạc Liêu vẫn chân chất, thật thà, chí thú làm ăn, xây dựng quê hương với những công trình vươn tới tầm cao mới.

Trong đó, điện gió là đại diện đầy kiêu hãnh của Bạc Liêu, đem đến luồng sinh khí mới, sức sống mới mạnh mẽ bên bờ biển miền Tây…

Một sức sống mới, động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội không chỉ của vùng biển Bạc Liêu.

Đã từng “Bước về phía biển” trong hành trình ký sự vài năm trước, vùng kinh tế biển Tây Nam Bộ cho chúng tôi rất nhiều bất ngờ khi lần đầu tiên lạc giữa “thành phố công nghiệp tôm” Sóc Trăng, Bạc Liêu; những cảng cá Trần Đề, Gành Hào đầy ắp cá tôm; khám phá miền du lịch biển, đảo Cà Mau, Kiên Giang độc đáo, cùng nền văn hóa ẩm thực đầy quyến rũ mà tươi rói. Nhưng lần này, đặt chân tới “cánh đồng điện gió”, vẫn không khỏi ngỡ ngàng…

Lung linh cánh hoa xoay tròn

Ngỡ ngàng vì sau khi vượt đoạn đường gần 200km, chúng tôi như bừng tỉnh trước một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục: “cánh đồng điện gió”. Từ xa đã thấy những cột chong chóng khổng lồ xoay giữa bầu trời xanh. 

Hệ thống cầu dẫn nối dài cánh tay ra biển, đưa chúng tôi đến sát bên những “gã khổng lồ” hiên ngang kiêu hãnh trên biển mà hiền lành, thân thiện. Một buổi sáng nắng đẹp và “tốc độ gió ổn định”, kỹ sư Hồ Minh Chánh là Tổ trưởng tổ vận hành tua- bin ở đây có thêm nhiệm vụ thuyết minh cho đoàn chúng tôi.

“Cánh đồng điện gió” được xây dựng tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), do Công ty TNHH XD- TM- DL Công Lý làm chủ đầu tư. Theo kỹ sư Hồ Minh Chánh, khu vực cho “cánh đồng điện gió” trải dài trên vùng biển ngập nước 500ha, tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn 5.200 tỷ đồng cho 62 trụ, công suất thiết kế 99 MW, mỗi năm cung cấp 310 triệu kWh điện. Giai đoạn 1 với 10 trụ đã hoàn thành và giai đoạn 2 với 52 trụ dự kiến hoàn thành cuối năm 2014.

Những trụ điện gió sừng sững làm bằng thép đặc biệt không gỉ, vài người ôm không xuể, cao hơn 82m. Cũng theo kỹ sư Hồ Minh Chánh, điện gió Bạc Liêu sử dụng loại rotor 3 cánh quạt phù hợp sức gió cấp III vùng biển Vĩnh Trạch Đông. 
 

Cận cảnh “gã khổng lồ” điện gió.

Mỗi cánh dài 42m, làm bằng nhựa đặc biệt, có hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại khi gặp thời tiết xấu, bão lớn. Ngoài cánh quạt, máy phát, tua- bin còn có bộ đo lường tốc độ gió và truyền dữ liệu tốc độ gió tới bộ điều khiển, hộp số, bộ ổn định tốc độ, bộ xử lý hướng gió nhằm định phương cho tua- bin.

Vùng biển Bạc Liêu được chọn cho dự án điện gió trên biển đầu tiên của cả nước, do tốc độ gió ổn định. Nhưng để có “lung linh những cánh hoa xoay tròn”, từ ý tưởng đến thi công dự án điện gió là một hành trình gian nan, thậm chí cả sự hoài nghi về tính hiệu quả của nó. 

Mà khó khăn lớn nhất, theo kỹ sư Hồ Minh Chánh chia sẻ là thi công trong điều kiện địa chất yếu. “Cánh đồng điện gió” đặt trên vùng đất bãi bồi, sình lầy, cách bờ 200- 1.000m, việc thi công phần chân đế phụ thuộc rất nhiều thời tiết, thủy triều và mỗi ngày chỉ có thể thi công được 4- 5 giờ khi thủy triều rút. 

Do vậy khi có cơ hội là phải căng sức làm để chạy đua với thời gian, công trình đã phải huy động trên 1.000 công nhân và nhiều máy móc thiết bị làm việc suốt ngày đêm, trong khoảng 18 tháng. “Thi công phải đợi lúc gió yên, sóng yên, mới đảm bảo lắp đặt những tua- bin gió nặng hàng chục tấn, cao ngất đủ độ chính xác”- kỹ sư Hồ Minh Chánh nói.

Nguồn năng lượng xanh

Giây phút đáng nhớ nhất đối với kỹ sư Hồ Minh Chánh và CB-CNV công ty, cũng như người dân Bạc Liêu là vào 15 giờ 30 ngày 29/5/2013, dòng điện gió Bạc Liêu đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia 10 tua- bin điện gió có công suất 16MW. 

Sản lượng điện sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm, gần bằng sản lượng của 30 tua- bin của Nhà máy Điện gió tỉnh Ninh Thuận (đặt trên cạn).

Giây phút đáng nhớ nhất đối với người dân Bạc Liêu là vào 15 giờ 30 ngày 29/5/2013, dòng điện gió Bạc Liêu đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia 10 tua- bin điện gió có công suất 16MW.
Thật khó tưởng tượng khi 62 tua- bin gió đồng loạt xoay trên “cánh đồng điện gió” thì vùng biển Bạc Liêu trở nên hùng vĩ thế nào. 
Dù vậy, “cánh đồng điện gió” đã được xem là công trình động lực của tỉnh Bạc Liêu, góp phần to lớn vào tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cho tỉnh và cả toàn vùng ĐBSCL. 
ĐBSCL đang từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu điện trầm trọng. Và hơn thế nữa, điện gió Bạc Liêu đã tạo niềm tin về việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sạch ở vùng đất giàu tiềm năng biển như ĐBSCL, đã không còn quá xa vời.

Tận dụng dự án điện gió, Bạc Liêu đang có kế hoạch quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ngay tại vùng “cánh đồng điện gió” để tận dụng tốt diện tích mặt nước ven biển, tạo nên sự phát triển tương hổ, hài hòa và bền vững giữa công nghiệp hiện đại với nông nghiệp và du lịch- dịch vụ. Điều này được kỳ vọng góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất và thu ngân sách tại địa phương.

Phóng viên tác nghiệp trên “cánh đồng điện gió”.

Trên “cánh đồng điện gió” khi triều lui, du khách có thể chiêm ngưỡng một thế giới khác của những loài sinh vật biển đa dạng. Cuộc sống của các loài cua, còng, thòi lòi biển, cá kèo… diễn ra bình thường như chưa hề có sự góp mặt của những “gã khổng lồ” kia. 
Xa xa phía bờ, những cánh rừng đước xanh mướt như chực chờ lấn thêm ra đại dương. Còn dưới những trụ lưới điện giăng ngang trời, vùng nuôi tôm công nghiệp cũng trở nên sôi động hơn.

Nhường lại “cánh đồng điện gió” cho những cô gái xinh đẹp mặc áo dài tha thướt, kè kè sau là mấy “phó nháy” rất “prồ”. Họ đang thực hiện những bức ảnh nghệ thuật cùng tua-bin điện gió. Điện gió cũng đã sớm lọt vào “danh sách những điểm cần đến” của du khách mỗi khi đến Bạc Liêu. 

Nói như bác Bùi Hữu Bằng- du khách đến từ Nam Định: “Ở đây thiên nhiên ưu ái, con người làm ra điện gió- năng lượng sạch, môi trường sạch. Tuyệt vời quá còn gì!”

Đúng vậy, bởi sau những giai thoại đầy sức cuốn hút về chàng công tử Bạc Liêu một thời; một huyền thoại mới đang được chào đón đầy tự hào, bởi bàn tay con người ngày càng làm cho vùng đất này, thiên nhiên này ngày càng giàu đẹp và xanh tươi hơn.

(*) Lời trong bài hát “Điện gió Bạc Liêu”

Bài, ảnh: TRẦN TUYẾT THẢO

TẠI SAO BẠN NÊN CHỌN CÔNG LÝ ?
  • 1Đối với khách hàng
  • CÔNG LÝ - Luôn đặt lợi ích của khách hàng là trên hết, Luôn cam kết thỏa mãn tối đa lợi ích của khách hàng trên cơ sở cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tối ưu, nhiều tiện ích, chi phí có tính cạnh tranh..
  • 2Đối với Nhân viên
  • CÔNG LÝ - Luôn quan tâm đến lợi ích của nhân viên, người lao động, kể cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người lao động, đảm bảo mức thu nhập cao và ổn định, có cơ hội thăng tiến, người lao động thường xuyên được nâng cao trình độ nghiệp vụ, được phát triển cả quyền lợi chính trị và văn hóa..
  • 3Đối với cộng đồng
  • CÔNG LÝ - Luôn cam kết thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; Luôn quan tâm chăm lo đến công tác xã hội, từ thiện để chia sẽ khó khăn của cộng đồng.
LIÊN KẾT BANNER
LIÊN KẾT WEBSITE